Lễ hội trong nước
Lễ hội đền Quát, huyện Gia Lộc

1. Vài nét về di tích và nhân vật được thờ

Đền Quát nằm cách thị trấn Gia Lộc khoảng 3km về phía Tây, thuộc thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, nơi thờ danh tướng thủy quân thời Trần là Đệ nhất Đô soái thủy quân Yết Kiêu - một con người tài đức song toàn, đặc biệt có tài thuỷ chiến. Đền nằm giữa một vùng sông nước hữu tình, mang giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng, đậm giá trị dân gian.

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, sau khi danh tướng Yết Kiêu qua đời, triều Trần cho lập đền thờ. Như vậy, có thể khẳng định đền Quát được khởi dựng vào thời Trần, nhưng xây vào năm nào, quy mô ra sao, thì chưa tìm thấy tài liệu ghi chép. Sở dĩ di tích có tên gọi là đền Quát, vì làng Hạ Bì còn có tên nôm là làng Quát. Căn cứ vào tấm bia cung tiến hiện còn lưu giữ tại đền, thời Hậu Lê, đền Quát được trùng tu khang trang, to đẹp. Đến thời Nguyễn di tích tiếp tục trải qua 4 lần trùng tu, tôn tạo dưới các đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1848 - 1887), Đồng Khánh (1886 - 1888) và Khải Định (1916 - 1925). Thời Nguyễn, đền Quát có kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc” gồm 7 gian tiền tế, 5 gian trung từ và 3 gian hậu cung, hai bên là 2 dãy cổ giải, xây theo kiểu đao tàu déo góc, chất liệu bằng gỗ tứ thiết, mái lợp ngói mũi hài truyền thống.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích bị tàn phá nghiêm trọng. Trong trận càn ngày 8/5/1948, di tích bị thực dân Pháp đốt phá, chỉ còn lại 3 gian Hậu cung. Năm 1980, di tích được tôn tạo, xây 3 gian trung từ và 3 gian hậu cung. Năm 1996 tôn tạo 5 gian tiền tế. Năm 2002, di tích được trùng tu, tôn tạo lớn theo kiến trúc ngôi đền cổ trước đây. 

 

 Quang cảnh di tích đền Quát, nhìn từ phía sông Đĩnh Đào

Di tích tọa lạc trên một khu đất cao, bằng phẳng, có địa thế 3 mặt giáp với ao hồ, sông nước. Đền Quát được chia làm hai khu vực: Khu nội tự và khu ngoại tự, có tổng diện tích 2.710m2. Khu ngoại tự gồm hai nghi môn ngoại, hệ thống sân vườn, hồ lạch Xanh, hồ lạch Đỏ, hồ bán nguyệt, voi đá, ngựa đá, bia đá, khu bãi bơi, cầu đá. Qua nghi môn nội, chính giữa là khu đền chính có kiến trúc kiểu “tiền Nhất hậu Đinh” gồm 5 gian tiền tế, 5 gian trung từ và 3 gian hậu cung. Đền quay hướng Tây, nhìn ra hồ bán nguyệt, khu bãi bơi và dòng sông Quát. Hai bên là hai dãy tả vu, hữu vu mỗi dãy 5 gian xây theo kiểu bít đốc, mái lợp ngói mũi hài truyền thống, là nơi du khách sửa soạn lễ vật, hương đăng trước khi vào hành lễ.

Ngoài ra, tại di tích còn chiếc mõ cá và mõ cáo bằng gỗ. Đây là hai hiện vật gắn liền với truyền thuyết hai con vật cá và cáo đã giúp Yết Kiêu thoát khỏi sự truy đuổi của giặc Nguyên. Người đời sau cho rằng đây là hai con vật âm phù giúp Yết Kiêu, nên đã tạo thành hai cái mõ, mỗi khi có việc lại gõ vào để nhờ thần phù trợ.

Tại đền Quát còn bảo lưu được các hiện vật như voi đá, ngựa đá niên đại Hậu Lê, hai tấm bia khắc vào năm Cảnh Trị 4 (1666) và Tự Đức 19 (1866), 4 sắc phong vào các năm: Cảnh Hưng 44 (1783), Cảnh Thịnh 4 (1796), Tự Đức 6 (1853), Khải Định 9 (1924).

Ngày 18/1/1988, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định số 28-QĐ/VH xếp hạng đền Quát là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo sự tích truyền lại, Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh ngày 13 tháng 2 năm Nhân Dần (1242) trong một gia đình ngư dân nghèo khó. Thân phụ là cụ Phạm Hữu Hiệu, người làng Hạ Bì (xã Yết Kiêu - huyện Gia Lộc), làm nghề chài lưới bên sông. Thân mẫu là cụ Vũ Thị Duyên người làng Đồng Nổi (nay là làng Song Động, xã Tân An - huyện Thanh Hà), bán hàng nước ở bến đò. Cuộc sống bần hàn của một gia đình ngư dân nghèo và sớm mồ côi cha đã khiến ngay từ nhỏ, Phạm Hữu Thế phải vất vả, lam lũ, chài lưới, cào hến kiếm ăn giúp mẹ. Năm 16 tuổi, vào một đêm thanh vắng, Phạm Hữu Thế ra sông gánh nước thấy hai con trâu trắng đang húc nhau. Ông liền dùng đòn ống xông vào can ngăn, giãn hai trâu ra, hai con trâu liền xuống sông biến mất, để lại hai chiếc lông trắng dính vào đầu đòn ống. Phạm Hữu Thế trở lại gánh nước, khi đặt đòn ống xuống nước ông thấy nước rẽ làm đôi. Hai đầu đòn ống lấp lánh ánh hào quang, ông nghĩ đây là điềm tốt trời cho, vì vậy liền nuốt vào bụng. Từ đó, Phạm Hữu Thế có thân hình vạm vỡ, chắc nịch, bơi lội tài giỏi, đi lại dưới nước như đi trên đất bằng vậy.

Yết Kiêu có tài bơi lội hơn người và trí lực hùng cường là bởi ông đã sớm được tôi luyện trong lao động, với công việc chài lưới vất vả trên sông nước. Do làm nghề chài lưới bắt cá trên sông nên ông rất giỏi bơi lặn, thuộc quy luật nước thủy triều lên xuống. Đặc biệt, với tài bơi lội “nhập thủy như phúc bình địa hỹ” (đi dưới nước như trên đất bằng), Phạm Hữu Thế đã lập nhiều công lớn trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông (lần thứ 2 và 3). Ông được vua tôi nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên của một loài cá lớn thời xưa). Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Yết Kiêu trổ tài đục thuyền của giặc và bắt được Nguyễn Bá Linh. Chiến công của Yết Kiêu đã góp phần to lớn vào chiến thắng cuối cùng của vua tôi nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285, trước sức mạnh của giặc, quân ta buộc phải lui quân. Hưng Đạo Vương định bỏ thuyền để đi theo đường núi, nhưng trước khi đi có dặn Yết Kiêu cứ giữ thuyền chờ ông trở lại. Vì vậy, khi Hưng Đạo Vương định rút quân theo đường bộ, Dã Tượng nói: “Yết Kiêu chưa thấy Đại vương thì nhất định không chịu rời thuyền”. Quả thực, khi đến Bãi Tân, thuyền của Yết Kiêu vẫn đợi ở đấy. Đại Vương cả mừng mà nói rằngChim hồng hộc bay được cao và xa là nhờ sáu trụ lông cánh. Nếu không có sáu trụ lông cánh ấy thì cũng như chim thường thôi”. Cũng vì thế, từ thân phận một gia nô, ông đã được Trần Hưng Đạo coi là người hiền tài, tiến cử với triều đình. Vua Trần đã phong cho ông là “Trần triều hữu tướng” làm “Đệ nhất Đô soái thủy quân” với tước hầu. Bên cạnh tài lược binh pháp, Yết Kiêu còn là một bề tôi “trung quân ái quốc” đối với Vương triều nhà Trần. Lòng trung hiếu đó, đã được thể hiện bằng lời nói và việc làm trong suốt cuộc đời ông là “thề chết làm gia nô chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu”. Đất nước khải hoàn chiến thắng, vua Trần tổ chức lễ mừng công ban lộc, ban thưởng cho các vương tướng có công diệt giặc. Yết Kiêu được vua phong “Đệ nhất Đô soái thủy quân”, được thưởng nhiều bổng lộc nhưng ông không nhận. Ông tâu lên vua xin cho dân làng làm nghề bắt cá bằng chài lưới trên sông được 3 thước đất hai bên bờ sông để phơi chài lưới không phải đóng thuế, hào lý địa phương không được ngáng trở. Việc ban thưởng cho ông đã được thần tích ghi lại cũng như được khắc rõ trên tấm bia “Miễn dịch bi ký” niên đại Tự Đức 19 (1866) tại đền Quát. Sau khi ông mất ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão (1303), vua Trần cho dân ấp Hạ Bì lập đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng. Các triều đại về sau, ban nhiều sắc phong và cho nhiều nơi trên mọi miền đất nước lập đền thờ ông.

Nhân vật thứ hai được thờ tại di tích, đó là công chúa con vua Nguyên, vợ danh tướng Yết Kiêu. Sự tích về bà được lưu truyền rằng: Sau kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi, Bảng nhãn Lê Đỗ được triều Trần cử đi sứ sang Nguyên triều. Yết Kiêu vốn là võ tướng thuỷ quân được cử làm tướng hộ vệ Lê Đỗ trên đường đi. Trong lần đi sứ ấy, vua Nguyên rất mến mộ tài năng của Yết Kiêu liền gả công chúa cho ông. Ông liền từ chối khéo và thưa rằng để trở về tâu xin vua Đại Việt, nếu nhà vua đồng ý thì sẽ xin sang Nguyên triều làm lễ cưới. Trở về nước, vua quan triều Trần lo lắng sẽ mất một viên tướng tài giỏi nên không đồng ý. Công chúa Nguyên triều đợi mãi không thấy Yết Kiêu sang thì xin vua cha cho sang đất Đại Việt để làm lễ thành hôn với Yết Kiêu. Biết tin này, vua quan nhà Trần báo tin Yết Kiêu đã qua đời, khi công chúa mới đi đến vùng biển Quảng Đông giáp biên giới Đại Việt. Công chúa vô cùng thương xót Yết Kiêu, bèn thuê người tạc tượng mình thả xuôi theo dòng sang nước ta, lập đàn cầu siêu cho linh hồn Yết Kiêu bên bờ biển tỉnh Quảng Đông và cầu nguyện:“Thiếp và chàng sống trên trần thế chưa nên duyên chồng vợ, nay chàng không còn nữa, thiếp nguyện thác xuống âm phủ để gặp chàng và nên nghĩa vợ chồng”, rồi gieo mình từ đàn cầu siêu xuống biển Quảng Đông để tỏ lòng chung thuỷ. Hai võ quan và chín nàng hầu cũng nhẩy xuống biển tự vẫn để theo hầu công chúa. Tượng công chúa Nguyên triều trôi đến cửa sông Quát thì dừng lại. Khi biết rõ sự tình, nhân dân ta rước tượng công chúa và tạc thêm hai tượng võ quan “tả chi nghi” và “hữu chi nghi”, cùng tượng 9 nàng hầu đưa về thờ tự, để tỏ lòng kính trọng tấm lòng trong trắng, chung thuỷ, tiết nghĩa của công chúa Nguyên triều và những người bảo vệ, người hầu hết lòng vì chủ. Hàng năm, vào dịp lễ hội đền Quát khi làm lễ tế đều có nghi lễ tế và rước công chúa Nguyên triều cùng với danh tướng Yết Kiêu.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của danh tướng Yết Kiêu với dân, với nước; hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội đón rước linh đình với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian truyền thống. Trong đó, hội đua thuyền chải được coi là một trong những nét độc đáo của lễ hội đền Quát.

2. Vài nét về lễ hội tại di tích

2.1. Lễ hội trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Thời gian diễn ra trong 11 ngày, từ ngày mùng 10 đến ngày 20 tháng Giêng hàng năm

Ngày 10 tháng Giêng: Mở cửa đền, làm lễ mộc dục.

Ngày 11 tháng Giêng: Tổ chức lễ rước bộ thần tượng Yết Kiêu, rước từ miếu về đình. Đoàn rước có múa tứ linh, đòn bát cống rước tượng Yết Kiêu và Công chúa Nguyên triều. Mỗi giáp mổ một con lợn cúng Thánh. Xã có 12 giáp, dâng 12 ông lợn và 12 mâm xôi cùng hương, đăng, hoa, quả, trầu cau. Cúng xong thịt chia làm 5 phần, chia theo thứ bậc khác nhau.

Từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng: Làm cỗ trực nhật do những người có phẩm hàm trong làng đăng cai, cứ 6 người một mâm, mỗi ngày từng người thay nhau sắm cỗ.

          Ngày 15 tháng Giêng: Thi cỗ hộp là loại cỗ đặc biệt của lễ hội đền Quát, gồm có bánh chưng, bánh dày, xôi nén, gà luộc, cá chép, chuối, rượu, chè kho, trầu cau do những giai ngoại có tài làm cỗ thực hiện. Cỗ của giáp nào thắng sẽ được dùng làm lễ dâng Thánh.

          Sáng ngày 16 tháng Giêng: Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, tượng Yết Kiêu và phu nhân được rước ra bờ sông, đặt trên bệ cao, nhìn ra sông nước để các ngài duyệt con cháu thao diễn thủy chiến. Các hà chài dự bơi chải đều phải đến lễ trước thần tượng, mong ngài phù hộ cho cuộc sống trên sông nước trong năm may mắn.

          Từ ngày 17 đến 19 tháng Giêng: Trong những ngày này đều tổ chức tế lễ.

Các buổi tối những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân địa phương tổ chức hát chèo, hát văn… tăng thêm phần sinh động cho ngày hội.

Ngày 20 tháng Giêng: Tổ chức tế tạ, lễ hội kết thúc, các hà chài tạm biệt cố hương, trở về các con sông quen thuộc quăng chài, thả lưới, theo cuộc sống thường nhật, hẹn xuân sau trở về.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân thôn Hạ Bì tổ chức những trò chơi dân gian truyền thống như: bơi chiềng, bơi chải, tổ tôm, đấu vật, tam cúc điếm, bịt mắt bắt dê, chọi gà, leo cầu lấy thưởng, cờ người, kéo co.

           Phần lễ

         * Lễ cáo yết:

- Lễ cáo yết nhằm xin phép Thánh cho nhân dân mở hội. Lễ vật dâng Thánh gồm con gà, mâm xôi, hoa quả, hương đăng, trầu, rượu. Đến lượt giáp nào đăng cai lễ hội thì giáp đó sắm sửa, chu biện lễ vật.

- Tổ chức tế ngoại tán (tế ngoài sân đền) xin Thánh cho được mở hội.

            * Lễ rước thuỷ:

Sáng ngày 10 tháng Giêng, sau lễ ngoại tán là lễ rước thuỷ. Từ sáng sớm, các hà chài đã tập trung trước sân đền. Vị trí lấy nước là sông Quát trước cửa đền. Khi đến bờ sông, cụ cao niên cùng các thanh niên khiêng kiệu xuống thuyền đi ra giữa dòng sông, rồi dùng gáo lấy nước đổ vào chóe. Sau đó, đoàn rước về đền, đặt chóe trong hậu cung để dùng làm nước cúng quanh năm.

* Lễ mộc dục:

Lễ mộc dục tại đền Quát xưa được tiến hành vào đêm mùng 10 tháng Giêng. Làng cử hai cụ cao tuổi, có uy tín của làng được tắm tượng đức thánh Yết Kiêu. Hai cụ cao niên trong trang phục áo the, khăn xếp. Ban đầu dùng nước sông trong choé (lấy được từ lễ rước thuỷ trên sông Quát) hoặc giếng làng (những năm không tổ chức rước thuỷ). Nước được nấu sôi rồi chắt ra thau đồng để ấm bắt đầu mang nước đi bao sái. Hai cụ cao niên dùng khăn sạch bao sái tỉ mỉ tượng thần, sau đó được bao sái lần thứ hai bằng nước thơm, rồi mặc áo cẩn thận, ngay ngắn cho Thánh (áo là mảnh vải đỏ được chùm lên hai vai quấn về phía trước ngực). Nước còn lại sẽ được mang bao sái đồ thờ tự trong đền.

* Lễ rước bộ:                                      

Trước Cách mạng tháng Tám, lễ hội đền Quát được tổ chức từ ngày 10 đến 20 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm. Sáng ngày 14, nhân dân Hạ Bì tổ chức lễ rước Thánh. Đoàn rước xuất phát đền Quát - qua cầu Cá phía Bắc bãi bơi - theo đường bến đò cũ - rẽ về hướng Đông, rồi theo hướng Đông Nam - rước vào đình làng, để thánh ngự tại đình. Những ngày thánh Yết Kiêu ở tại đình dân làng tổ chức tế lễ.

* Nghi lễ tế:

      Việc tế lễ ở đền Quát diễn ra quanh năm song các cuộc đại tế diễn ra vào tháng Giêng, tháng Chín, tháng Chạp.

* Lễ vật dâng thánh: gồm lễ chay và lễ mặn

- Lễ chay: thành phần gồm: 6 phẩm oản: 1 phẩm oản = 0,9kg gạo nếp; 6 đĩa chè kho; Chuối tiêu 1 nải; Một đĩa trầu cau tươi gồm cau 3 quả, trầu 3 lá.

- Lễ mặn: thành phần gồm: 01 mâm xôi trắng; 1 con lợn luộc; 1 chai rượu trắng; 1 đĩa trầu, cau tươi: cau 5 quả, trầu 3 lá.

Phần hội

Hội đền Quát diễn ra các trò chơi dân gian không chỉ thể hiện sự đồng cảm, ước vọng về tâm linh, mà còn phản ánh sự rèn luyện trí tuệ thông minh, sáng tạo, gắn kết cộng đồng tạo ra giá trị văn hoá đặc sắc cho lễ hội đền Quát như: Thi cỗ hộp, tam cúc điếm, tổ tôm điếm, đi cầu thùm, bơi bắt vịt, kéo co, đấu vật, cờ người, chọi gà và đặc biệt là môn bơi chải.

          * Thi cỗ hộp: Hầu hết hàng năm làng đều tổ chức làm cỗ thi, nhưng năm nào tổ chức lễ hội lớn thì những người đang cai họp thống nhất về nội dung và đồ lễ và cho thi cỗ.

* Bơi chiềng:

Lịch sử bơi chiềng của người dân thôn Quát có từ rất lâu đời, mỗi khi lễ hội diễn ra các hà dù làm ăn ở đâu xa đều thu sếp thời gian để về dự hội và tham gia nghi thức bơi chiềng (còn gọi là bơi mừng Thánh, bơi biểu diễn). Các hà về tham dự đều phải mang chải về để tham gia, nhưng ngày nay lòng sông Quát trước cửa đền có phần hẹp và bị ngăn lại không còn thông thuỷ nên việc các hà đem chải về không còn nữa mà xã Yết Kiêu đã chuẩn bị các chải để cho các hà tham gia biểu diễn bơi mừng Thánh.

* Bơi thi:

Bơi thuyền gắn liền với thân thế sự nghiệp của danh tướng Yết Kiêu và nghề nghiệp của ngư dân Hạ Bì. Do đó, bơi chải không chỉ là sự tái hiện hình ảnh danh tướng Yết Kiêu trong các trận thuỷ chiến mà còn có ý nghĩa cầu ngư. Bơi chải đến nay không chỉ là một hoạt động hấp dẫn trong hội mà còn trở thành một môn thể thao truyền thống thế mạnh của xã Yết Kiêu cũng như của huyện Gia Lộc.

Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như: tổ tôm điếm, tam cúc điếm, chọi gà, cầu thùm, đập niêu, cờ tướng, bơi bắt vịt, kéo co. Bên cạnh các trò chơi dân gian, trong hội thường có hát chèo, hát ca trù, múa rối nước. Các loại hình nghệ thuật này đã được tổ chức trong lễ hội xưa, đến nay vẫn được duy trì và phát huy mạnh mẽ. Múa rối nước là một trong những hoạt động được tổ chức hàng năm trong lễ hội đền Quát. Gia Lộc từ xưa có phường múa rối nước Bùi Thượng nên hàng năm, làng Hạ Bì thường mời về biểu diễn phục vụ lễ hội. Ngày nay, Gia Lộc là một trong 3 huyện của tỉnh Hải Dương hiện còn lưu giữ được nghệ thuật truyền thống này tại xã Lê Lợi. Rối nước là một trong những hoạt động thu hút đông đảo nhân dân, đặc biệt là với khách thập phương bởi không phải địa phương nào cũng có được trò diễn hấp dẫn này.

2.2. Lễ hội đền Quát từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay

Năm 1948, ngôi đền bị phá hủy. Đến năm 1976, nhân dân địa phương mới khôi phục được gian hậu cung. Tuy nhiên, trong thời gian này, do con sông Quát bị khô cạn, không tổ chức được bơi chải, bơi chiềng. Nhân dân Hạ Bì đã thay đổi thời gian tổ chức lễ hội sang tháng Tám. Từ năm 1976 đến nay, lễ hội đền Quát được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 8 âm lịch hàng năm. Tuy thời gian được rút ngắn, song những nét cơ bản của lễ hội truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ. Trong những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể cùng với sự nỗ lực cố gắng của nhân dân địa phương, việc sưu tầm tư liệu về lễ hội xưa đã được chú trọng. Do đó, các nghi lễ, nghi thức và trò chơi dân gian truyền thống từng bước được phục dựng cho đúng với lễ hội xưa. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng bài bản và đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Những nghi lễ như mộc dục, rước bộ và tế lễ vẫn được duy trì nhưng lễ rước nước đã không còn được tổ chức. Phần hội vẫn bảo tồn những trò chơi dân gian truyền thống như thi cỗ hộp, bơi chiềng, bơi chải, kéo co, chọi gà, đập niêu, đi cầu thùm, bơi bắt vịt, cờ tướng.... Trong những năm gần đây, lễ hội còn có một số hoạt động thể thao như cầu lông, bóng chuyền, càng làm cho lễ hội thêm phần phong phú. Vào các buổi tối, tổ chức giao lưu văn nghệ do các hội, đoàn thể trong xã, thôn biểu diễn. Hạ Bì còn có đội văn nghệ hoạt động rất tích cực, tham gia nhiều cuộc thi cấp tỉnh, huyện giành được nhiều giải thưởng cao. Xen kẽ những tiết mục của các đoàn thể, đội văn nghệ thôn Hạ Bì thường biểu diễn những tiết mục, trích đoạn chèo cổ. Các sinh hoạt đó không chỉ góp phần làm cho không khí lễ hội thêm đặc sắc mà còn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lễ hội ngày nay gồm các hoạt động:

- Ngày 13/8 âm lịch: Tổ chức lễ mộc dục và cáo yết.

- Ngày 14/8 âm lịch: Buổi sáng: Tổ chức Lễ rước bộ, lễ khai hội, nhân dân và khách thập phương làm lễ dâng hương, tổ chức bơi chiềng, bơi thi, thi cỗ hộp.

Buổi chiều: Tổ chức tế lễ, nhân dân và khách thập phương làm lễ dâng hương, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như cờ người, chọi gà, đi cầu thùm.

          - Ngày 15/8 âm lịch: nhân dân và khách thập phương tiếp tục làm lễ dâng hương, tổ chức tế lễ, thi kéo co, bơi bắt vịt và thi đấu cầu lông, bóng chuyền.

        - Ngày 16/8 âm lịch: Buổi sáng tổ chức các trò chơi dân gian. Buổi chiều: Tổ chức tế tạ, kết thúc lễ hội.

        Buổi tối những ngày diễn ra lễ hội: Nhân dân địa phương tổ chức giao lưu văn nghệ do các hội, đoàn thể của xã, của thôn biểu diễn.

Phần lễ

* Lễ mộc dục:

Sáng sớm ngày 13/8 âm lịch, đại diện Ban Quản lý di tích và các cụ cao niên trong Ban khánh tiết ra đền, thắp hương làm lễ thánh sau đó mọi người rước choé nước lên thuyền ra sông Quát trước cửa đền. Khi đến giữa sông là lúc chiêng trống trong đền được gióng lên, thuyền dừng lại, một cụ cao niên đại diện cho làng dùng gáo múc nước vào choé. Sau khi lấy nước về, nước được hoà với ngũ vị hương đun lên để nguội. Trước khi thực hiện nghi lễ mộc dục, đại diện người cao tuổi bày biện lễ vật gồm mâm xôi, con gà, hoa quả và thắp hương khấn đức Thánh đền Quát xin phép được thực hiện nghi lễ. Đại diện Ban quản lý và người cao tuổi thực hiện nghi lễ mộc dục với tượng Thánh Yết Kiêu, tượng Công chúa Nguyên triều sau đó bao sái lau chùi các đồ tế khí từ trong hậu cung ra ngoài.

* Lễ cáo yết:

Sau khi mộc dục, tiến hành lễ cáo yết. Đại diện Ban quản lý thắp hương khấn, kính cáo với đức Thánh các công việc chuẩn bị đã xong và xin phép cho làng được mở hội. Kết thúc lễ mọi người thụ lộc tại đền. Buổi chiều tiếp tục các công việc chuẩn bị và tập dượt sẵn sàng cho ngày chính hội.

          * Lễ rước bộ:

Lễ rước bộ được tổ chức vào ngày 14/8, từ sáng sớm các đồ nghi trượng phục vụ cho lễ rước và các đội hình rước đã chuẩn bị sẵn sàng tại sân đền.

          Trước khi tiến hành rước, đại diện Ban Quản lý di tích thắp hương cáo với đức Thánh, sau đó trong đền nổi chiêng trống làm hiệu cho cuộc rước bắt đầu. Đoàn rước xuất phát từ sân đền Quát đi qua cầu Cá (ở phía Bắc của đền), theo đường liên thôn đi về phía thôn Hoàng Kim - đi vòng quanh làng, qua trạm y tế xã, qua trụ sở UBND xã về qua cổng làng, theo đường liên thôn, đoàn rước qua cổng phía Nam trở về đền. Về đến đền, hai kiệu Thánh được đặt tại bãi bơi để chuẩn bị cho bơi chiềng, các đồ nghi trượng khác được đặt tại sân tiền tế để chuẩn bị cho lễ khai hội.

* Khai mạc lễ hội:

          Sau khi đoàn rước trở về đền, Ban tổ chức tiến hành lễ khai hội. Thay mặt chính quyền địa phương, đại diện lãnh đạo UBND xã Yết Kiêu lên khai mạc lễ hội. Nội dung diễn văn đã nêu bật ý nghĩa của ngày hội, công lao to lớn của các vị thần được thờ với đất nước, với nhân dân, quá trình xây dựng và bảo vệ di tích qua từng thời kỳ lịch sử đồng thời kêu gọi nhân dân phát huy truyền thống của cha ông, đoàn kết, tích cực bảo vệ và phát huy giá trị của di tích cho các thế hệ mai sau. Các đoàn đại biểu các cấp và các ban ngành đoàn thể trong xã, thôn cùng nhân dân và khách thập phương lần lượt làm lễ dâng hương.

* Lễ tế Thánh Yết Kiêu:

Chiều ngày 14/8 diễn ra lễ tế Thánh Yết Kiêu tại sân tiền tế theo nghi thức tế cổ truyền được lưu truyền từ xưa. Đội tế gồm chủ tế, 2 bồi tế, thông xướng, họa xướng và 12 tế viên trong trang phục quần áo tế chỉnh tề thực hiện nghi lễ tế 3 tuần rượu, 1 tuần trà. Lễ vật gồm xôi, gà, thủ lợn, hoa quả, rượu.

Các hoạt động hội diễn ra tại lễ hội

          * Bơi chiềng:

Sau lễ khai hội, trên sông Quát trước đền diễn ra lễ bơi chiềng. Lịch sử bơi chiềng làng Quát có từ lâu đời, mỗi khi lễ hội diễn ra các hà dù làm ăn ở đâu xa đều thu xếp thời gian để về dự hội và tham gia nghi thức bơi chiềng (còn gọi là bơi mừng thánh - bơi biểu diễn). Sau khi dâng hương tượng thần Yết Kiêu và Công chúa Nguyên triều tại bãi bơi, các giai bơi các làng xuống thuyền thực hiện bơi chiềng, làng Quát là anh cả nên theo lệ truyền thống thuyền làng Quát sẽ dẫn đầu đoàn bơi chiềng, tiếp theo là các làng bạn. Đoàn bơi diễu qua trước bãi bơi nơi đặt kiệu Thánh và công chúa trong tiếng trống chiêng, tiếng hò reo vang dội của các thuyền và nhân dân. Sau khi diễu 2 vòng, mỗi vòng có độ dài khoảng 1km thì dừng lại, kết thúc bơi chiềng và chuẩn bị bơi thi tranh giải.

* Thi bơi chải

Bơi thi tại hội đền Quát xưa chỉ có các chải nam, ngày nay còn có các đội chải nữ trong xã Yết Kiêu. Tại lễ hội đền Quát năm 2018, có 7 đội bơi chải nam, nữ từ các thôn: Hạ Bì, Khuông Phụ, Hoàng Kim của xã Yết Kiêu tham gia tranh tài. Sau khi các đội chải nam thi là đến các đội nữ. Mỗi lượt thi có 2 thuyền đua tranh và phải bơi 3 vòng. Các đội về nhất, nhì, ba, khuyến khích nhận được một phần thưởng của Ban tổ chức. Chính từ truyền thống của lễ hội mà ngày nay Yết Kiêu là một xã có phong trào bơi chải rất mạnh của tỉnh, thường đạt giải cao trong các hội thi bơi chải toàn tỉnh.

 

Thi bơi chải tại lễ hội đền Quát, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc

* Thi cỗ hộp:

Sau khi dưới sông kết thúc bơi chiềng và bắt đầu bơi thi tranh giải thì tại sân đền tổ chức thi cỗ hộp. Thi cỗ hộp là một sinh hoạt cổ truyền đặc sắc tại lễ hội đền Quát và vẫn được cộng đồng địa phương duy trì hàng năm theo lệ thường với các vật phẩm: Bánh giày, chè kho, bánh chưng, gà luộc, mía, chuối tiêu, cá chép rán, rượu trắng, trầu cau.

Ngày nay, việc thực hiện các mâm cỗ hộp trong lễ hội do các dòng họ trong làng Hạ Bì đăng ký với Ban tổ chức, gồm các dòng họ: Phạm Hữu, Phạm Sỹ, Phạm Văn, Đoàn Văn, Nguyễn Xuân, Phạm Vĩnh, Vũ Xuân, Phạm Công, Trần Đức, Bùi Công. Các dòng họ đều ra sức thi đua với nhau sao cho mâm cỗ của dòng họ mình giành được thứ hạng cao. Ban tổ chức cử ra Ban giám khảo gồm những người có uy tín và am hiểu lệ tục chấm cỗ. Mâm cỗ của dòng họ nào được giải nhất, nhì, ba sẽ được dâng trước ban thờ gian giữa tại trung từ, các mâm khác được bày hai bên để lễ Thánh.

Như vậy, lễ hội đền Quát với nhiều hoạt động không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn nâng cao tình đoàn kết, rèn luyện sức khỏe để người dân càng hăng say lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp, văn minh. Đó cũng chính là những giá trị tốt đẹp mà lễ hội đền Quát đã mang lại cho xã hội.

Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VHTTDL

Các tin mới hơn
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Linh khí Côn Sơn”(23/02/2024)
Triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024(26/12/2023)
Diễn xướng Hội quân trên sông Lục Đầu năm 2023(02/10/2023)
Lễ ban ấn đền Kiếp Bạc năm 2023(02/10/2023)
Tưởng niệm 581 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi(01/10/2023)
Các tin cũ hơn
Lễ hội đền Cao An Phụ, thị xã Kinh Môn(25/07/2022)
Danh mục di tích xếp hạng quốc gia trên địa bàn tỉnh Hải Dương (đến tháng 7/2022)(22/07/2022)
Danh mục các di tích xếp hạng cấp tỉnh (đến tháng 7/2022)(22/07/2022)
Các di tích, cụm di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt (đến tháng 7/2022)(21/07/2022)
Gần 2.000 người tham gia Lễ rước nước hội Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2019(13/11/2019)
Tìm kiếm
Videos
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín