Lễ hội trong nước
Lễ hội đền Cao An Phụ, thị xã Kinh Môn

1. Vài nét về di tích và nhân vật được thờ

 Đền An Phụ nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy An Phụ. Tương truyền, ngôi đền được xây dựng vào thời Trần (TK XIII), thờ An sinh vương Trần Liễu - Thân phụ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ngôi đền vốn là một di tích nhỏ, đến năm Nhâm Dần có bà Trương Thị Điểm người làng Hà Tràng (nay là xã Thăng Long, huyện Kinh Môn) công đức tiền xây dựng ngôi đền Trung. Sau đó, ông bà Bá Phí người thôn Phí Xá (người huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày nay) công đức xây dựng thêm tòa Tiền tế. Thời Hoàng Định (1600 - 1619), triều đình trích công quỹ giao cho sư Nam Nhạc tu bổ. Đến năm Gia Long 16 (1817), ông Nguyễn Văn Tài làm quan chức Hữu quân lệ úy, quan Tả hương kỳ khâm sai Kinh Môn phủ xây thêm hai giải vũ. Mùa Xuân năm Quý Mão, tháng 2 đời vùa Thánh Thái năm thứ 15 (1903), ngôi đền được trùng tu, nội dung tấm bia “Trùng tu An Phụ sơn bi ký” ghi lại việc tôn tạo di tích, khắc tên những người đóng góp công sức, tiền của trong đó những người xã Dương Nham đã quyên góp đá tảng cho việc tu bổ công trình. Như vậy, trải qua các triều đại ngôi đền đều được trùng tu tôn tạo.

Thời kỳ kháng chiến, ngôi đền đã bị thực dân Pháp phá hủy chỉ còn Trung từHậu cung. Đến năm 1985, chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng tòa Tiền tế. Ngày 21/1/1992, khu di tích đền An Phụ được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 97/QĐ xếp hạng khu di tích đền An Phụ là Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Trước những giá trị to lớn di tích cần được trùng tu, tôn tạo, mở rộng khuôn viên, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng ngày càng cao của nhân dân, ngày 13/6/2001, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 1590/2001/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu di tích An Phụ, giao cho Sở Văn hóa, Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức thực hiện. Các hạng mục công trình được trùng tu, tôn tạo như khu tượng đài Trần Hưng Đạo (phù điêu, lát sân, đường bậc lên xuống, hệ thống đường giao thông, đường điện…), đền An Phụ (Tiền tế, Trung từ, Hậu cung, sân vườn, khu phụ trợ…). Ngày 17 tháng 5 năm 2007, nhân dân địa phương tổ chức lễ khánh thành sau đợt trùng tu trên quy mô lớn. Năm 2011, Ban quản lý di tích huyện Kinh Môn khởi công xây dựng 2 tuyến đường bậc từ bãi 3 lên đền bằng đá xanh Thanh Hóa, từ chùa Gạo lên đền bằng đá tự nhiên. Đến năm 2013, việc xây dựng được hoàn thành, toàn bộ công trình và khuôn viên khu di tích ngôi đền trở lên khang trang, đẹp đẽ như ngày nay. 

Đền An Phụ có kiến trúc kiểu tiền Nhất (-), hậu Đinh () gồm 5 gian Tiền Tế, 3 gian Trung Từ và 1 gian Hậu Cung, kết cấu kiến trúc kiểu chồng rường giá chiêng. Công trình đầu tiên chúng ta bắt gặp chính là Nghi môn. Đền Cao có 2 Nghi môn. Nghi Môn ngoại là một công trình bề thế có chiều dài 35m, rộng 10,5m, được tạo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái.

Trước những giá trị to lớn của di tích đền Cao An Phụ và quần thể di tích của thị xã Kinh Môn, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn), tỉnh Hải Dương là di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 03/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1977/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã tạo cơ sở pháp lý quan trong cho việc bảo tồn và phát huy Quần thể di tích trong đó có di tích đền Cao An Phụ ngày càng bền vững.

 

Toàn cảnh di tích đền Cao An Phụ, phường An Sinh, thị xã Kinh Môn. Di tích được khởi dựng từ thời Trần (TK XIII) thờ An Sinh vương Trần Liễu - Thân phụ của Hưng Đạo Đại vương Trần Hưng Đạo.

Thân thế, công trạng của An Sinh Vương Trần Liễu

Căn cứ vào hệ thống câu đối, đại tự tại di tích và nhân dân địa phương cho biết: đền An Phụ thờ Đức Thánh Trần Liễu, đây là vị nhân thần có nhiều công lao trong việc tạo dựng nhà Trần (thế kỷ XIII). Đặc biệt, ông là phụ thân của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - Người chỉ huy 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông hùng mạnh, bảo vệ giang sơn, bờ cõi đất nước. Về Thân thế, công trạng của An Sinh vương Trần Liễu được tóm tắt như sau:

Trần Liễu sinh năm 1211, là anh ruột của Trần Cảnh, là con của Trần Thừa, nguyên quán tại Hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Nhà Lý đến đời vua thứ bảy là Lý Cao Tông làm vua 35 năm (1176 - 1210), đẻ ra Thái Tử Sam. Thái tử Sam lấy Trần Thị Dung làm vợ, khi nối ngôi là vua Lý Huệ Tông. Lý Huệ Tông chỉ có hai người con gái. Chị là công chúa Thuận Thiên, em là công chúa Chiêu Thánh. Lớn lên Thuận Thiên lấy Trần Liễu và Chiêu Thánh lấy Trần Cảnh sinh ra Thái Tử Sam. Thái tử Sam lấy Trần Thị Dung làm vợ, khi nối ngôi là vua Lý Huệ Tông.

Vì không có con trai nên Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái Chiêu Thánh. Chiêu Thánh làm vua, hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng làm vua được một năm (1224 - 1225) thì nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi, lấy hiệu là Trần Thái Tông - Vị vua đầu tiên của Triều Trần. Nhưng Chiêu Thánh và Trần Cảnh lấy nhau đã hơn mười năm mà vẫn không sinh nở. Trần Thủ Độ vừa là chú ruột Trần Cảnh, vừa là Điện tiền chỉ huy sứ nắm giữ mọi việc trong triều, lo vua Thái Tông tuyệt tự nên ép Trần Liễu nhường vợ cho Trần Cảnh vì lúc này Thuận Thiên đã mang thai. Sau đó ép Thái Tông bỏ Chiêu Thánh, lập Thuận Thiên là Hoàng Hậu. Sự việc ấy làm cho Trần Liễu tức giận đem quân làm loạn. Được ít lâu, biết thế của mình không địch nổi, ông giả làm người đánh cá, đang đêm lẻn lên thuyền xin hàng. Vua Thái Tông cắt đất ở các xã An Phụ, An Sinh, An Dưỡng, An Hưng, An Bang (nay thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cho Trần Liễu làm thái ấp và phong cho ông làm An Sinh Vương ở đây. Sau khi được cắt đất, An Sinh vương Trần Liễu giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc. Từ đỉnh Yên Phụ, Yên Tử, An Sinh vương đã ra sức kiến thiết một cõi Hải Đông thành vùng giầu có. Cuộc đời An Sinh vương sống đạm bạc, lấy việc xây dựng trang ấp giầu mạnh, dân trang no đủ làm vui. Ông cùng nhân dân khai hoang lập địa xây dựng An Sinh trở thành một vùng quê trù phú, dân cư đông đúc. Theo tương truyền, Trần Liễu lên An Phụ ngắm cảnh, quan sát toàn bộ khu vực đất đai, sau đó ông cho lập ấp chiêu binh, xây dựng chùa ở khe núi gọi là chùa Gạo. Đây là nơi tích lũy lương thực, những năm mất mùa, đói kém, ông miễn thuế cho nhân dân trong vùng nên được người dân vô cùng kính trọng. Năm Nguyên Phong thứ nhất (1251), Trần Liễu mất ở tuổi 41. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Đại vương, cho sửa chữa phủ đệ trên đỉnh núi Yên Phụ thành đền thờ ông. Hàng năm đến ngày mồng 1 tháng Tư âm lịch nhân ngày thác của ông được con dân trăm họ về dâng hương kính lễ, dần dần trở thành ngày lễ hội của nhân dân địa phương.

2. Vài nét về lễ hội tại di tích

2.1. Lễ hội trước Cách mạng háng Tám năm 1945

Trước năm 1945, lễ hội đền Cao An Phụ được tổ chức trong thời gian 3 ngày, từ ngày 29 tháng 3 đến mồng 1 tháng 4 âm lịch hàng năm, trọng hội là ngày mồng 1 tháng 4 nhân kỷ niệm ngày mất của Sinh Vương Trần Liễu. Những năm phong đăng hòa cốc, mùa màng tươi tốt, làng tổ chức trong nhiều ngày hơn. Đây là ngày lễ lớn không chỉ của nhân dân địa phương mà còn là ngày hội của cả một vùng rộng lớn.

Hàng năm, làng đã cắt cử các giáp lo công việc cho ngày đại lễ. Trước đây, Kim Xuyên được chia thành các giáp, mỗi giáp được giao 1 mẫu ruộng công để nuôi lợn ông Bồ cúng Thánh. Việc nuôi lợn được tiến hành sau khi lễ hội năm trước kết thúc. Thông thường, các giáp đều phải chọn lợn rất kỹ, giống tốt, đẹp mã mới mang về nuôi. Việc nuôi lợn đòi hỏi phải rất chu đáo, cẩn thận. Chuồng lợn luôn phải được quét dọn sạch sẽ. Mùa đông, thời tiết lạnh phải đảm bảo cho ông lợn được ấm áp. Các giáp thường dùng vải che chuồng lợn, ban đêm trải rơm cho ông lợn ngủ. Mùa hè, chuồng lợn luôn thoáng mát, thường xuyên tắm rửa cho ông lợn. Trong quá trình tắm phải dùng khăn mềm, không được làm cho ông lợn bị trầy, sước, không được để ông lợn bị muỗi đốt, không cho ông lợn ăn bẩn, ăn tạp làm ô uế lễ vật. Theo quan niệm của nhân dân nơi đây, ai được nuôi ông lợn là một vinh dự cho bản thân, gia đình. Do vậy, những người đăng cai tế đám đều rất đều tận tâm, tận lực chăm sóc ông lợn với mong đến ngày lễ hội ông lợn lớn đủ cân để kịp dâng Thánh.

Việc đăng cai lễ hội, làng giao cho các giáp. Mỗi giáp lại cắt cử người đăng cai, có thể cắt theo lứa tuổi hoặc từ ngày vào hàng giáp. Ai đến lượt mà không muốn làm hoặc không đủ sức để làm thì phải nộp tiền chuộc lệ, làng sung vào công quỹ phục vụ cho việc tổ chức lễ hội. Trước khi tổ chức lễ hội, các chức dịch họp bàn giao nhiệm vụ cụ thể. Những người có chức sắc mới được dự họp, những người đã bỏ tiền mua nhiêu, mua hương cũng được tham gia. Làng huy động một số cụ cao niên và những người phục dịch, tham gia vào lễ hội. Làng chọn ra đội hình tế lễ gồm những chức sắc từ chánh phó tổng nghị hội viên hàng cửu phẩm trở lên hoặc phó hội, lý phó trưởng, thư ký, hộ tịch, chưởng bạ, thủ quỹ. Đặc biệt chủ tế phải là người đức cao vọng trọng từ 50 tuổi trở lên, gia đình song toàn, con cái có nếp có tẻ, không có tang mới được tham gia tế lễ. Người đi tế phải tự may áo tế. Đội tế gồm 1 chủ tế, 2 bồi tế, 2 thông xướng, số người tế có năm là 6, 10 hoặc 18 người. Ngoài ra, các giáp còn chọn ra những nam thanh nữ tú phục vụ các cụng việc trong ngày rước. Gần đến ngày lễ hội, làng phải được dọn sạch sẽ, phong quang. Đường mòn được phát quang, cỏ được cắt gọt, những cành cây vươn ra được chặt. Đất đá lở được thu dọn san lấp cho sạch sẽ và phẳng phiu. Đoạn đường này dài tới hai cây số nên dọn dẹp khá tốn công phu để chuẩn bị tốt nhất cho lễ hội truyền thống của làng được diễn ra thành công tốt đẹp.

a) Phần lễ

* Lễ Cáo Yết: Lễ Cáo yết (xin phép mở cửa đền) được diễn ra vào ngày ngày 26 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đến 19 giờ, làng tiến hành làm lễ Cáo Yết (xin mở cửa đền cho nhân dân được tổ chức lễ hội). Lễ vật gồm 1 mâm chay (các loại hoa quả), 1 mâm mặn (1 mâm xôi, con gà, 1 quả cau, 1 lá trầu, gạo, trứng, muối, nậm rượu) do giáp đăng cai lễ hội năm đó sắm sửa, chu biện. Địa điểm làm lễ tại gian Tiền Tế. Thành phần gồm các chức sắc trong làng, đội tế nam.

* Lễ Mộc dục: Lễ mộc dục được tổ chức vào đêm ngày 29 tháng 3 âm lịch. Đúng 23 giờ, làng tổ chức lễ bao sái tượng Đức Thánh Trần Liễu. Địa điểm tại gian Hậu cung, nơi Đức Thánh Trần Liễu ngự. Lễ vật chuẩn bị gồm 1 mâm chay (các loại hoa quả), 1 mâm mặn (1 mâm xôi, con gà, 1 quả cau, 1 lá trầu, gạo, trứng, muối, nậm rượu).

        * Lễ rước bộ: Sáng ngày mồng 1, các giáp rước lợn ông Bồ và làm lễ ở đền. Sau khi làm lễ xong thì tiến hành lễ rước.

* Tế lễ: Sau khi đoàn rước về tới đền, làng làm lễ an vị tượng An Sinh vương và tổ chức tế. Thời gian tế thường 3 ngày, cũng có năm từ 5 đến 7 ngày tuỳ từng năm được mùa hay không được mùa. Lễ vật tế gồm một bàn xôi, 10 quả trứng, rượu với 1 con lợn ông bồ cả con đã làm sạch, để sống. Lòng thì luộc và bày cả. Khi tế xong, sỏ lợn phần các cụ. Lầm lợn chia cho những người phục dịch trực tiếp. Thịt lợn chia cho các suất đinh từ 18 tuổi trở lên. Các ngày tế, lễ vật như nhau. Cả làng cùng được thụ lộc.

b) Phần hội:

Trong thời gian diễn ra lễ hội, làng còn tổ chức trò chơi như trồng cây đu, chọi gà, đánh vật, thi gói bánh chưng, đánh cờ tướng và nhiều trò chơi khác trong đó trò chơi đấu vật và dâng bánh lòng, gói bánh chưng mang giá trị đặc trưng gắn với thân thế, sự nghiệp của An Sinh vương và lòng thành kính của người dân Kim Xuyên với Ngài.

2.2. Lễ hội sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay

Lễ hội khu di tích đền An Phụ được tổ chức long trọng trong 3 ngày (29 - 30/3 và 1/4 âm lịch. Nếu tháng thiếu là ngày 28 và 29 tháng 3) nhân ngày giỗ của An Sinh vương Trần Liễu, trọng hội là ngày mồng 01/4 âm lịch.

a) Phần lễ

* Lễ Cáo Yết: Lễ Cáo yết (xin phép mở cửa đền) được diễn ra vào ngày ngày 26 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đến 19 giờ, Ban tổ chức tiến hành làm lễ Cáo Yết (xin mở cửa đền cho nhân dân được tổ chức lễ hội). Lễ vật gồm 1 mâm chay (các loại hoa quả), 1 mâm mặn (1 mâm xôi, con gà, 1 quả cau, 1 lá trầu, gạo, trứng, muối, nậm rượu). Địa điểm làm lễ tại gian Tiền Tế, thành phần gồm đội tế nam, ban tổ chức lễ hội, lãnh đạo xã An Sinh và các ban ngành đoàn thể trong xã, thôn.

* Lễ Mộc dục: Lễ mộc dục vẫn được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Đúng 23 giờ, làng tổ chức lễ bao sái tượng Đức Thánh Trần Liễu. Địa điểm tại gian Hậu cung, nơi Đức Thánh Trần Liễu ngự. Lễ vật chuẩn bị gồm 1 mâm chay (các loại hoa quả), 1 mâm mặn (1 mâm xôi, con gà, 1 quả cau, 1 lá trầu, gạo, trứng, muối, nậm rượu). Thành phần tham gia gồm cụ thủ từ, chủ tế và một thanh niên trai tráng, khỏe mạnh phục vụ.

* Lễ rước bộ: Sáng ngày mồng 1 tháng 4, làng tổ chức lễ rước. Khoảng 6 giờ 30 phút, đoàn rước các xã/phường Thượng Quận, An Sinh, Phạm Thái cùng các cơ cánh, đoàn hội và nhân dân rước lễ vật lên tập trung tại tượng đài Trần Hưng Đạo. Trong đó, phường An Sinh rước lễ vật là mọt con lợn quay, xã Thượng Quận là sắn dây, phường Phạm Thái là nếp cái hoa vàng. Đây đều là những sản vật của thị xã Kinh Môn. Lễ vật của các phường/xã được đặt trên kiệu do 8 thanh niên trai tráng trong trang phục quần áo rước khiêng. Các mâm lễ còn được trang trí hoa, dải vải nhiều màu cầu kỳ, đẹp mắt. Ngoài các mâm lễ trên, các phường/xã còn chuẩn bị một lễ chay (các loại hoa quả, nước ngọt, bia) và một lễ mặn (xôi, gà hoặc sỏ lợn, rượu). Đúng 7 giờ, sau 3 hồi chiêng, trống, đoàn rước xuất phát, đoàn rước đi từ sân tượng đài đến sân trước nghi môn thì dừng lại, sắp xếp đội hình chuẩn bị cho lễ khai mạc lễ hội truyền thống.

* Lễ khai mạc: Khoảng 8 giờ 30 phút, các tiết mục văn nghệ chào mừng trong đó có màn biểu diễn múa rồng, lân sư. Đúng 9 giờ, Ban tổ chức tuyên bố khai mạc lễ tưởng niệm ngày mất của An Sinh vương Trần Liễu, Ban tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Đồng chí lãnh đạo UBND thị xã - Trưởng Ban tổ chức lễ hội lên đọc diễn văn khai mạc. Nội dung diễn văn đã nêu lên ý nghĩa của ngày hội, công lao to lớn của vị thần đối với đất nước, với địa phương, quá trình xây dựng và bảo vệ di tích qua từng thời kỳ lịch sử đồng thời kêu gọi nhân dân phát huy truyền thống của cha ông, đoàn kết, tích cực bảo vệ và phát huy giá trị của di tích cho các thế hệ mai sau. Tiếp đó, ông chủ tế đọc văn tế thể hiện lòng kính cẩn của người dân địa phương với Đức Thánh. Nghi lễ đọc văn tế xong, lễ dâng hương được tiến hành, đoàn rước lên đền dâng hương.

Cuối cùng là các đoàn đại biểu các cấp và các ban ngành đoàn thể trong xã, thôn cùng nhân dân và khách thập phương lần lượt làm lễ dâng hương theo trình tự dâng hương tại ban thờ Đức Thánh Trần Liễu, kế đếndâng hương ở chùa Tường Vân và khu tượng đài Trần Hưng Đạo.

* Tế lễ: Sau lễ dâng hương, làng tổ chức tế lễ. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội đền Cao An Phụ đều tổ chức tế lễ tại sân Tiền tế theo nghi thức tế truyền thống. Đội tế là những cụ cao niên trong khu dân cư có đức cao vọng trọng, có nhiều hiểu biết về quá trình xây dựng và phát triển của di tích, về thân thế, sự nghiệp của An Sinh vương Trần Liễu.

 

Dâng hương trong lễ hội đền Cao An Phụ, thị xã Kinh Môn

b) Phần hội

Trong những ngày diễn ra lễ hội đền Cao An Phụ, Ban tổ chức đều tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống. Trong đó những trò chơi như đấu vật, thi gói bánh chưng, giã bánh giầy hay gói bánh lòng vẫn được duy trì và phát huy mạnh mẽ đến ngày nay. Những trò chơi như đánh đu, tổ tôm đã không còn được tổ chức thay vào đó là những trò chơi mới đã được đưa vào lễ hội phù hợp với không gian văn hoá và sự phát triển xã hội trong giai đoạn hiện nay. Trong những năm gần đây, một số trò chơi như bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông đã được đưa vào lễ hội đền Tranh làm cho ngày hội thêm phần phong phú. Điểm khác biệt trong phần hội đền Cao An Phụ ngày nay là quy mô rộng lớn hơn, nhất là đối với phần thi bánh chưng đã có sự tham gia của các phường, xã trên địa bàn thị xã.

Cùng với các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động giao lưu văn nghệ của các đội văn nghệ xuất sắc trong thị xã cũng đã được tổ chức, đội múa rồng múa lân thường xuyên biểu diễn trong các ngày diễn ra lễ hội để phục vụ nhân dân và khách tham quan đến với di tích. Buổi tối, đoàn chèo diễn các trích đoạn chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ... cũng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham dự, cổ vũ.

Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VHTTDL

Các tin mới hơn
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Linh khí Côn Sơn”(23/02/2024)
Triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024(26/12/2023)
Diễn xướng Hội quân trên sông Lục Đầu năm 2023(02/10/2023)
Lễ ban ấn đền Kiếp Bạc năm 2023(02/10/2023)
Tưởng niệm 581 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi(01/10/2023)
Các tin cũ hơn
Danh mục di tích xếp hạng quốc gia trên địa bàn tỉnh Hải Dương (đến tháng 7/2022)(22/07/2022)
Danh mục các di tích xếp hạng cấp tỉnh (đến tháng 7/2022)(22/07/2022)
Các di tích, cụm di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt (đến tháng 7/2022)(21/07/2022)
Gần 2.000 người tham gia Lễ rước nước hội Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2019(13/11/2019)
Lễ an vị thượng lương Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát chùa Côn Sơn(14/07/2019)
Tìm kiếm
Videos
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín