Điểm du lịch
Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, thị xã Kinh Môn

Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương một cụm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tiêu biểu nằm trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận ngày 22/12/2016.

Các điểm di tích, hang động thuộc xếp hạng gồm: Đền Cao An Phụ (đền Cao, chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo…); khu di tích và hang động xã Phạm Mệnh (động Kính Chủ, chùa Dương Nham…); khu di tích và hang động xã Duy Tân (chùa Nhẫm Dương, các hang động núi Nhẫm Dương…). Quần thể các di tích và danh thắng này có giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử và khảo cổ gắn liền công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nơi đây là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng những nét đẹp kỳ vĩ của hệ thống núi đá, hang động gắn với những huyền sử độc đáo; hơn 40 hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia năm 2017, văn bia được khắc trực tiếp vào vách đá, trải qua thăng trầm lịch sử vãn lưu lại sự độc đáo riêng cho vùng đất này.

* Đền Cao An Phụ

Tọa lạc trên đỉnh núi cao nhất dãy An Phụ đầy huyền bí, với cảnh quan thiên tạo kỳ phú đền Cao An Phụ từ lâu đã trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn và đặc biệt với mọi du khách.

Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tên tự là An Phụ Sơn Từ, thuộc xã An Sinh, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Trần Liễu sinh năm Kiến Gia thứ Nhất (1211), là anh ruột vị vua đầu tiên của triều Trần, Trần Thái Tông tức Trần Cảnh (1237), triều đình cắt đất các xã An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang, ban cho Hoài Văn Hầu Trần Liễu làm thái ấp và phong làm An Sinh Vương. Tháng 4, năm Nguyên Phong thứ nhất (5/1251) An Sinh Vương Trần Liễu mất, thọ 41 tuổi. Sau khi mất ông được lập đền thờ trên đỉnh núi An Phụ, nơi đây sơn thủy hữu tình, được sử sách ca ngợi là một trong những cảnh đẹp đáng du ngoạn. Phía Đông Bắc nhìn về dãy Yên Tử; phía Tây Bắc là động Kính Chủ, phía Tây Nam là miền châu thổ mênh mông.

 Đền xây dựng thời Trần, các công trình kiến trúc hiện nay được trùng tu, tôn tạo, khôi phục nhiều hạng mục, mở rộng phạm vi khu di tích xứng với tầm vóc của danh nhân như: đền chính, nghi môn ngoại, nghi môn nội và công trình văn hóa như chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo...

Lễ hội được tổ chức ngày 1 tháng 4 âm lịch, kỷ niệm ngày mất của ông, nhân dân thập phương rước lễ vật về đền tế lễ… Ngoài lễ hội chính, đền Cao có quan hệ mật thiết với khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, do vậy trong hai kỳ lễ hội tại Côn Sơn - Kiếp Bạc (xuân, thu nhị kỳ) đông đảo khách thập phương hành hương về dâng hương tưởng niệm.

* Tượng đài Trần Hưng Đạo

Tượng đài Trần Hưng Đạo tọa lạc trên một đỉnh núi có độ cao gần 200m so với mặt nước biển, thuộc khu di tích lịch sử- văn hóa An Phụ thuộc xã An Sinh, thị xã Kinh Môn, nơi có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu- thân phụ của Người, là bức tượng được tạc bằng đá xanh lớn nhất Việt Nam cuối Thế kỷ XX. Bên cạnh tượng là bức phù điêu được làm bằng đất nung như một pho sử lớn, dãy trường thành lịch sử đang hiện hữu như nhắc nhở con cháu về chiến công anh hùng của cha ông.

Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương được đặt ở vị trí thấp hơn đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, phù hợp với luân thường đạo lý dân tộc: Cha đứng trên, con đứng dưới, vị trí này tạo nên sự ấm cúng linh thiêng, thể hiện sự trung hiếu của một gia đình truyền thống Việt Nam. Được tạc bằng đá xanh núi Nhồi Thanh Hóa tượng cao 9,7m, gồm 65 viên đá xanh, chia thành 8 thớt, gia cố bằng lõi bê tông, cốt thép. Tượng được đặt trên bệ cao 3m và có tổng chiều cao cả tượng và bệ 12,7m. Tượng Đại Vương được tạc ở độ tuổi 55 - 60 sau khi hoàn thành 3 cuộc kháng chiến thắng lợi, sống trong khung cảnh đất nước thanh bình. Với thế đứng tay trái tì đốc kiếm, tay phải cầm cuốn thư, tượng đài thể hiện tầm nhìn chiến lược văn võ song toàn làm toát lên chân dung của một vị tướng quắc thước, nhân hậu, tinh thần tự tin, chí nhân, chí trung, chí hiếu...Tượng hướng nhìn về phía Đông, ở một tầm cao lồng lộng, như nhắc nhở các thế hệ cháu con phải luôn cảnh giác, tự tin giữ vững biển trời cùng giang sơn gấm vóc bao đời gầy dựng.

Bên cạnh tượng đài Trần Hưng Đạo còn một công trình phù điêu được làm bằng đất nung ngoài trời lớn nhất Việt Nam đã được xác lập kỉ lục guiness năm 2013. Với chiều dài bức phù điêu 45m, rộng trung bình 2,5m gồm 526 viên gạch của tác giả Hoàng Nhân do những nghệ nhân làng Cậy huyện bình Giang – Hải Dương trực tiếp tham gia nung đốt thủ công bằng rơm rạ. Bức phù điêu là trang sử tóm tắt quá trình diễn ra cuộc kháng chiến oanh liệt của quân dân Đại Việt chống quân xâm lược Mông Nguyên vào TK XIII.

Tượng đài Trần Hưng Đạo ngoài ý nghĩa lịch sử còn chứa đựng những giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Góp phần quan trọng vào Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương.

* Động Kính Chủ

Động Kính Chủ là công trình thiên tạo, được công nhận di tích danh thắng quốc gia năm 1962, thuộc xã Phạm Mệnh, thị xã Kinh Môn. Động nằm trên sườn núi Dương Nham, dưới chân là núi là dòng sông Kinh Thầy uốn lượn trông như dải lụa. Động Kính Chủ được bia ký ghi vào hạng “Nam thiên đệ lục động”. Trong động thờ Phật, vua Lý Thần Tông, Minh Không thiền sư và Huyền Quang tôn giả. Cùng với động Kính Chủ trong dãy núi Dương Nham còn có nhiều hang động kỳ thú như: hang Vang, hang Luồn, hang Trâu… có rất nhiều hình động vật, bia ký được khắc trên các vách đá. Đây là những tư liệu quý, di sản vô giá đối với nhân loại. Nơi đây từng là điểm du ngoạn, dừng chân của nhiều bậc tao nhân mặc khách đã đề thơ, ghi lại cảm xúc của mình trước cảnh non nước hữu tình.

Động Kính Chủ cùng với các hang động trong khu vực núi tạo thành hệ thống hang động để đón khách tham quan chiêm bái, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách đặc biệt là thanh, thiếu niên mang trong mình sở thích leo núi, tận hưởng khung cảnh thiên niên cây cỏ và không khí trong lành nơi đây.

* Chùa Nhẫm Dương

Chùa Nhẫm Dương, một di tích khảo cổ thời tiền sử, cũng là ngôi cổ tự hiếm hoi ở Hải Dương được bao bọc bởi một hệ thống núi đá và hang động thiên nhiên cực kỳ độc đáo.

 

Chùa Nhẫm Dương, xã Duy Tân, thị xã Kinh Môn

Chùa Nhẫm Dương tên chữ là Thánh Quang Tự, dân gian thường gọi là chùa Nhẫm thuộc thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân, thị xã Kinh Môn. Bao quanh chùa là những dãy núi đá trùng trùng điệp điệp đều có đỉnh hướng về ngọn núi Nhẫm Dương - nơi ngôi chùa tọa lạc. Chùa có quy mô lớn, được khởi dựng từ thời Trần (1225-1400), được tôn tạo vào thời Lê và thời Nguyễn. Theo văn bia hiện còn lưu giữ ở chùa thì Chùa Nhẫm Dương là nơi tu hành và viên tịch của Thánh tổ Thủy Nguyệt (1637 - 1704), là bậc thiền sư có công đức lớn trong việc sáng lập thiền phái Tào Động thời Hậu Lê và trong sự nghiệp bảo vệ đất nước lúc bấy giờ.

Nằm trong khu vực núi Nhẫm Dương, là dãy núi hình thành do biến đổi của tự nhiên từ hàng triệu năm trước, tạo lên một môi trường sinh thái hấp dẫn, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Ngoài ra bao quanh chùa có khoảng gần 30 hang động lớn nhỏ tạo thành một cảnh Phật toàn bích. Nổi bật nhất là tại động (hang) Thánh Hóa các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di cốt hóa thạch của 27 loài động vật như: voi, tê giác, hổ, báo, nhím, lợn rừng, đười ươi (pôngô)… có niên đại cách ngày nay 3-5 vạn năm cùng rất nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, thời đồng thau và các pho tượng Phật bằng đá có niên đại thời Nguyễn. Những di cốt hóa thạch trong hang Thánh Hóa, những di vật của văn hóa Đông Sơn tìm được trong hang Tối không chỉ có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa quốc gia, mà nó còn mang ý nghĩa quốc tế.

Hàng năm cứ đến ngày mùng 5, 6 và mùng 7 tháng 3 âm lịch thì lễ hội Chùa Nhẫm Dương được tổ chức và diễn ra với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: ngày 5/3 âm lịch: cúng Nhập tịch (cúng Phật, Lễ Mộc dục – tắm tượng thánh tổ, cúng đàn tràng sái tịnh); ngày 6/3 âm lịch là ngày Lễ chính (gồm lễ cúng, lễ rước và lễ tế); ngày 7/3 âm lịch là ngày Lễ Tất (cúng Phật, cúng Thánh tổ, lễ đàn Mông sơn thí thực)… Cùng với những nghi lễ trên diễn ra trong 3 ngày thì tại sân chùa, cổng chùa và các địa điểm chân núi gần chùa còn được tổ chức các trò chơi như: chọi gà, kéo co, đánh cờ, đu, hát văn, hát múa giao lưu văn nghệ… tạo sân chơi bổ ích góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống cũng như thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tới tham gia các trò chơi và tham quan lễ hội.

Đến với di tích chùa Nhẫm Dương, du khách như được hòa mình vào chốn tâm linh huyền ảo với khung cảnh núi non kỹ vĩ. Nơi đây xứng đáng là một phần quan trọng trong quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh theo Quyết định số 2144/QĐ-UBND ngày 02/8/2021 của UBND tỉnh Hải Dương. 

Phòng Quản lý Du lịch, Sở VHTTDL

Các tin mới hơn
Công nhận 3 điểm du lịch tại huyện Ninh Giang(25/12/2023)
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách(19/09/2023)
Từ Kỳ có Điểm du lịch đầu tiên(06/06/2023)
Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thanh Mai - Những “viên ngọc” mang tầm quốc tế(24/03/2023)
Tứ Kỳ - mùa xuân gọi(28/01/2023)
Các tin cũ hơn
Chùa Động Ngọ, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương(26/07/2022)
Đất vải Thanh Hà - Miền Tây thu nhỏ giữa vùng Đồng bằng sông Hồng(22/07/2022)
Danh sách các khu, điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh(16/06/2022)
Côn Sơn – Kiếp Bạc, nơi mùa Xuân ở lại(05/08/2020)
Tìm kiếm
Videos
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín