Lễ hội trong nước
Lễ hội Văn Miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng

1. Vài nét về di tích và nhân vật được thờ

 Nằm cách trung tâm thành phố Hải Dương 16km về phía tây, Văn Miếu Mao Điền thuộc thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng. Đây là nơi tôn vinh truyền thống văn hiến tỉnh Đông.

 Ngược dòng lịch sử, Văn Miếu Mao Điền nguyên là văn miếu trấn Hải Dương. Di tích được khởi dựng vào cuối thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Vĩnh Lại xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang). Đồng thời với Văn Miếu, trường thi Hương của bản trấn cũng được xây dựng tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là cánh đồng Tràng xã Cẩm Điền), hai công trình cách nhau khoảng 1km theo đường chim bay.

 Vào đầu thế kỷ XVI, sau khi lên nắm quyền cai quản đất nước, nhận thấy Thăng Long có nhiều biến động chính trị xã hội, nhà Mạc đã quyết định chọn trường thi Hương trấn Hải Dương để tổ chức thi Hội đào tạo nhân tài cho đất nước. Khoa thi năm Ất Mùi, niên hiệu Đại Chính thứ 6 (1535), Nguyễn Bỉnh Khiêm người xã Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương - Hội - Đình. Ông vinh dự được triều đình phong tặng danh hiệu Trạng Nguyên.

 Đến năm Bảo Hưng thời Tây Sơn (1801), để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, Văn miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An về tái thiết tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng trên cơ sở tiếp quản trường học của phủ Hạ Hồng. Căn cứ vào nội dung các văn bia khắc dựng hiện còn lưu giữ, quy mô Văn miếu vào đầu thế kỷ XIX khá rộng lớn, ngang dọc tới 10 mẫu (tương đương 3,6 ha) "Đây vốn là mảnh đất mùa thu lá rụng, lại có bờ bao, rộng rãi mà bằng phẳng, cao ráo và sạch sẽ, khí mạch tốt tươi, thực là đất văn minh nơi miền Hải Thượng".

 Tại đây có nhiều hạng mục, ngoài hai toà nhà chính là bái đường, hậu cung xây theo kiểu chữ "nhị" mỗi toà có 7 gian chồng diêm, cổ các còn có các nhà đông vu, tây vu, đài nghiên, tháp bút, gác chuông, gác khánh, gác khuê văn, nhà học hiệu, giếng thiên quang, văn miếu môn, miếu thổ cờ và nhà Khải Thánh thờ Thân phụ, Thân mẫu của Khổng Tử. Các công trình được xây dựng cân đối, ẩn hiện dưới tán cây xanh thật ngoạn mục. Việc tế lễ và học tập của các sĩ tử từ các phủ, huyện kéo về diễn ra rất đông vui.

 Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, người sáng lập trường phái nho gia của Trung Quốc. Ông là người nước Lỗ, sinh năm 551, mất 479 trước Công nguyên, thọ 72 tuổi; quê tại ấp Trâu, hương Xương Bình (nay thuộc thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông). Sinh thời, Khổng Tử cùng học trò đi đến nhiều nước chư hầu suốt từ bắc xuống nam Trung Quốc để thuyết khách và cuối đời trở về quê san định Kinh sách. Ông trở thành một triết gia vĩ đại của nhân loại thời cổ đại, có ảnh hưởng sâu sắc tới nền giáo dục cũng như đời sống tinh thần của tầng lớp trí thức các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam trong thời đại phong kiến. Tại đây, ngoài việc thờ chính Khổng Tử còn phối thờ thêm 8 vị đại khoa nho học (trong số đó có 7 vị gốc Hải Dương) là những danh nhân hàng đầu của đất nước gồm: Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mệnh (thời Trần), Nguyễn Trãi, Vũ Hữu (thời Lê Sơ), Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thị Duệ (thời Mạc). Đây chính là một việc làm sáng tạo nhằm tôn vinh truyền thống văn hiến tỉnh Đông.

Năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, hầu hết các di tích lịch sử văn hoá được các cấp chính quyền địa phương quan tâm vận động nhân dân tham gia công đức tôn tạo. Năm 1990, Văn Miếu được tu bổ cấp thiết bằng sự đóng góp của cán bộ và nhân dân xã Cẩm Điền. Năm 1992, Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Văn Miếu là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Năm 2002, UBND tỉnh Hải Dương thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo Văn Miếu với quy mô lớn và khánh thánh vào ngày 20/4/2004. Nội thất thờ tự tại di tích đã được điều chỉnh, bổ sung.

Văn Miếu Mao Điền được công nhận là di tích quốc gia năm 1992 (Quyết định số 97/QĐ ngày 21/01/1992) và di tích quốc gia đặc biệt năm 2017 (Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017).

 

Văn Miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng

2.  Vài nét về lễ hội tại di tích

2.1. Lễ hội trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Lễ hội được tổ chức từ ngày 15-18/2 Âm lịch.

 Theo điển lễ, Văn Miếu là nơi tổ chức đại lễ của triều đình. Nếu tại Kinh đô, nhà Vua đích thân đến làm chủ lễ tế Khổng Tử và Tứ Phối thì ở các trấn, lộ, xứ giao cho các quan Trấn thủ, Tổng đốc tiến hành tế Thập triết theo nghi thức trang trọng nhất. Tham gia hành lễ có các quan chức, cử nhân, tiến sĩ và nho sinh từ các phủ, huyện về theo y phục cổ truyền (những người ít học và phụ nữ không được tham dự). Hàng năm chọn hai ngày "Đinh" (J) đầu tháng Trọng xuân và Trọng thu (tháng 2 và tháng 8 âm lịch) làm lễ chính. Ngày Đinh trong tháng gồm: Đinh Sửu, Đinh Mão, Đinh Mùi, Đinh Tỵ, Đinh Dậu và Đinh Hợi; chọn một ngày Đinh trong đó để tổ chức tế lễ. Sở dĩ chọn ngày Đinh vì theo Kinh Dịch: Đinh thuộc Hoả, Hoả tượng trưng cho văn chương.

 Việc tế lễ tại Văn Miếu Mao Điền xưa không nằm ngoài quy định chung đó. Theo sách "Đại nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ (quyển 8) vào năm Gia Long thứ 1 (1802), Văn miếu bản trấn có hơn 40 mẫu tự điền. Hoa lợi thu hoạch được chi dùng vào việc hương đăng thường nhật và sửa chữa nhỏ tại Văn Miếu. Còn các ngày tế Đinh mùa xuân, mùa Thu, quan Tổng đốc Hải Dương sức cho cá Tổng chuẩn bị lễ tam sinh chu đáo. Trước ngày lễ chính Văn Miếu được quét dọn sạch sẽ, đường làng ngõ xóm phải phong quang. Dọc đường cái quan (quốc lộ 5), từ cổng Văn Miếu tới Ghẽ (Tân Trường) dài gần 3km cắm đầy cờ thần chào đón quan Tổng đốc. Ngày chính tế, quan Tổng đốc đi xe ô tô về Văn Miếu, xuống xe đi bộ vào trong, tư thế uy nghi cân đai, bối tử, có 4 lọng che và hai hàng lính lệ bồng súng đi kèm. Tiếp sau có các quan thủ huyện, chánh tổng, hào lý, trương tuần đi hộ tống. Hai bên đường dẫn vào Văn Miếu, phường lễ nhạc của địa phương cử hành những khúc nhạc lễ trang trọng chào đón quan khách và tấu nhạc ca ngợi thánh nhân. Trong sân Văn Miếu, các nho sinh kỳ mục, hương đảng đội ngũ chỉnh tề, tàn lọng nghi trượng trang nghiêm rực rỡ. Các ban thờ rực sáng, lộng lẫy, hương thơm ngào ngạt... chủ tế là quan Tổng đốc bước vào nhà đông vu thay đồ lễ phục và tiến hành tế lễ. Thời gian tiến hành từ 1 giờ đến 1 giờ rưỡi được tuân thủ nghiêm ngặt, không bỏ qua chi tiết nào, từ dâng hương, dâng rượu đến dâng phẩm vật đều rất chu đáo. Sau khi quan Tổng đốc khai tế xong, các viên huyện thừa, chánh tổng, hào lý, nho sinh lần lượt vào dâng hương lễ thánh. Kết thúc lễ, cỗ được chia cho các quan theo thứ bậc, tuổi tác. Để việc tế lễ tại Văn Miếu hàng năm được ổn định, bản trấn đã thống nhất chọn hai ngày 18/2 vào 20/8 âm lịch làm ngày lễ trọng.

 Ngoài hai ngày tế Đinh quan trọng vào tháng 2 và tháng 8 hàng năm, ngày thường Văn miếu đều mở cửa cho dân làng và khách thập phương vào lễ thánh. Các học trò trong làng ngoài tổng có tập quán trước mỗi kỳ thi thường đến làm lễ thánh xin cho đầu óc được sáng suốt để thi, cử đạt kết quả cao. Đến khi "công thành, danh toại" các nho sinh đến làm lễ tạ ơn thánh chu đáo. Đây là một sinh hoạt văn hoá cao đẹp gắn liền với đạo lý "hiếu học và tôn sư trọng đạo" của dân tộc cần được trân trọng và phát huy. 

2.2. Lễ hội sau Cách mạng tháng Tám năm 1945

 Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, do ảnh hưởng của chiến tranh và những định kiến về văn hoá nho giáo, hoạt động tế lễ ở Văn Miếu Mao Điền cũng như các văn chỉ tại nhiều làng, xã bị xem nhẹ. Theo đó hệ thống di tích này xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết các văn chỉ và đồ thờ bị huỷ liệt, nghi lễ tổ chức thất truyền.

  Từ năm 2005, lễ hội Văn Miếu Mao Điền được phục dụng và nâng cấp quy mô cấp tỉnh. Lễ hội do Sở Văn hoá thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) kết hợp với UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức. Yêu cầu đặt ra là nội dung lễ hội cần mang đậm nét văn hoá dân tộc, tôn thờ Khổng Tử phải gắn liền với việc tôn vinh truyền thống "hiếu học và tôn sư trọng đạo" của các thế hệ người Hải Dương, thu hút du lịch và góp phần đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh nhà. Ban tổ chức lễ hội đã tiến hành nghiên cứu, khai thác và kế thừa di sản văn hoá tại quê hương các danh nhân được thờ cũng như một số làng khoa bảng tiêu biểu để tổ chức lễ hội ngày càng phong phú, hấp dẫn.

 Từ năm 2005, lễ hội Văn Miếu Mao Điền được phục dụng và nâng cấp quy mô cấp tỉnh. Hàng năm có hai kỳ: Lễ hội Xuân diễn ra vào ngày 17 - 18/2; vào lễ hội Thu diễn ra vào ngày 20/8 âm lịch.

Lễ hội Xuân diễn ra vào ngày 17 - 18/2 âm lịch:

Phần lễ: gồm các hoạt động: Tế khai hội từ sáng sớm ngày 17/2 do đội tế thôn Mậu Tài (xã Cẩm Điền) đảm nhiệm. Ngày trọng hội (18/2). Một số hoạt động chính: Lễ dâng hương; diễn xướng văn nghệ dân gian khá độc đáo tạo nên dấu ấn văn hoá đặc biệt của lễ hội; lễ chữ…

Phần hội: diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá bổ ích như: mở cửa nhà truyền thống Giáo dục - Đào tạo, viết thư pháp chữ Hán do Câu lạc bộ Hán Nôm Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh tổ chức, biểu diễn nghệ thuật rối nước, hát quan họ, trưng bày tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), thi đấu cờ tướng, trưng bày danh ngôn Khổng Tử và sách danh nhân văn hoá tỉnh Đông, triển lãm gốm mỹ nghệ Chu Đậu (Nam Sách), thi viết "Vở sạch chữ đẹp” của trường Tiểu học, tổ chức thi đấu kéo co của trường THCS xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng), thể thao…. Kết thúc lễ hội với tiết mục tế an vị do đội tế nam thôn Hoàng Xá (xã Cẩm Điền) thực hiện. Đặc biệt trong lễ hội, Ban tổ chức còn mời đội tế của các làng khoa bảng điển hình như: Mộ Trạch (Bình Giang), Nhân Lý (Nam Sách), Kim Quan (Cẩm Giàng) về Văn Miếu để tế Khổng Tử và các đại khoa Nho học các địa phương, thu hút đông đảo nhân dân từ các địa phương nô nức về dự lễ hội với lòng tự hào về quê hương, dòng họ hiếu học và tôn sư trọng đạo.

Lễ hội Thu diễn ra vào ngày 20/8 âm lịch. Nội dung tổ chức ngắn gọn hơn lễ hội Xuân. Ngoài lễ dâng hương trang trọng nêu trên, tại đây có hoạt động "Báo công dâng Thánh" và giao lưu văn nghệ của hai trường Tiểu học và THCS xã sở tại. Bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, hoạt động tôn vinh sự nghiệp giáo dục đào tạo này sẽ được mở rộng và nâng cấp thành quy mô cấp tỉnh với nhiều nội dung khác nhau tạo thành sắc thái riêng cho lễ hội.

 Với tinh thần tôn vinh truyền thống tỉnh Đông. Lễ hội Văn Miếu Mao Điền đã và đang tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa, sáng tạo và hoàn thiện các giá trị văn hoá. Đây là việc làm không nhỏ, đòi hỏi có sự cống hiến trí tuệ của những người yêu di sản văn hoá Hải Dương.  

 

Lễ Khai hội truyền thống Văn Miếu Mao Điền                 

 

Lễ chữ tại Lễ hội Văn Miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng 

 

Nghệ thuật Thư pháp tại Lễ hội Văn Miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng 

Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VHTTDL

Các tin mới hơn
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Linh khí Côn Sơn”(23/02/2024)
Triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024(26/12/2023)
Diễn xướng Hội quân trên sông Lục Đầu năm 2023(02/10/2023)
Lễ ban ấn đền Kiếp Bạc năm 2023(02/10/2023)
Tưởng niệm 581 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi(01/10/2023)
Các tin cũ hơn
Lễ hội đền Cao An Phụ, thị xã Kinh Môn(25/07/2022)
Danh mục di tích xếp hạng quốc gia trên địa bàn tỉnh Hải Dương (đến tháng 7/2022)(22/07/2022)
Danh mục các di tích xếp hạng cấp tỉnh (đến tháng 7/2022)(22/07/2022)
Các di tích, cụm di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt (đến tháng 7/2022)(21/07/2022)
Gần 2.000 người tham gia Lễ rước nước hội Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2019(13/11/2019)
Tìm kiếm
Videos
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín