Văn hóa
Giữ gìn văn hóa truyền thống qua di tích nhà thờ họ

Nhà thờ họ tộc là nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của một dòng họ, nơi các thế hệ sau thể hiện đạo hiếu, lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ trước.

 

Nhà thờ họ không chỉ là nơi con cháu tri ân tổ tiên, mà còn là nơi gắn kết các thế hệ

 

        Không chỉ vậy, với một số di tích nhà thờ họ được gìn giữ qua hàng trăm năm còn là chứng tích cho nền văn hóa của một cộng đồng dân cư.

Niềm tự hào của dòng tộc

Được khởi công xây dựng từ thế kỷ 19, nơi thờ cụ Vũ Thiện Phái và vợ là Phạm Thị Hiệu Từ Nhân, nhà thờ họ Vũ ở thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) mang đậm dấu ấn thời Nguyễn, gồm 3 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Nhuốm màu phong sương, nhưng công trình vẫn đứng vững trước sự khắc nghiệt của thời gian và thiên nhiên, cho thấy sự tỉ mỉ trong việc xây dựng, lắp ghép vì kèo, cột cái, cột quân, đấu trụ, đấu nóc... từ đôi tay khéo léo của những người thợ tài ba xưa. Không những vậy, trong di tích còn giữ được các hiện vật quý như: ngai thờ, khám thờ, tượng Cao tổ bằng gỗ từ thế kỷ 19 còn khá nguyên vẹn tới tận ngày nay.

Giới thiệu về nhà thờ dòng họ của mình, ông Vũ Văn Toán, hiện giữ vai trò Trưởng ban khánh tiết và trông coi nhà thờ cho biết công trình này là tâm huyết của ông cha bao đời gây dựng và gìn giữ. Nhiều năm qua, nhà thờ họ Vũ luôn là nơi mà con cháu tề tựu hằng năm để thắp nén hương tri ân tổ tiên, đồng thời chia sẻ với nhau những việc tốt, những thành tích trong nghiên cứu, lao động, học tập của một năm.

Với những giá trị về kiến trúc cổ còn lưu giữ được, nhà thờ họ Vũ được xếp hạng là di tích cấp tỉnh vào năm 2010. 

Lịch sử vẻ vang của dòng họ Trần Điền Trì, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) gắn với ba vị tiến sĩ là Trần Thọ, Trần Cảnh và Trần Tiến. Đây là ba thế hệ liên tiếp gồm ông, cha và con cùng đỗ tiến sĩ thời hậu Lê, đồng thời đều có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước, được sử sách ghi nhận.

Nhà thờ họ Trần Điền Trì được xây dựng vào năm 1718 gồm có tòa tiền tế 3 gian 2 dĩ và hậu cung 3 gian, ngăn giữa tiền tế và hậu cung là một khoảng sân lọng nhỏ. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, nhà thờ đã được trùng tu vài lần nhưng vẫn còn nguyên dấu ấn kiến trúc xưa, đồng thời còn lưu giữ được hệ thống các cổ vật, di vật có giá trị với nhiều chất liệu khác nhau như: giấy, gỗ, gốm, đá... Đặc biệt là cuốn Niên phả lục bằng chữ Hán do Phó đô Ngự sử Trần Tiến viết vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 25 (1764), 13 tấm bia đá có từ thời hậu Lê tới thời Nguyễn và 33 đạo sắc phong...

Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2005, đến năm 2020, mộ và nhà thờ 3 vị tiến sĩ họ Trần Điền Trì được xếp hạng di tích cấp quốc gia. 

Gìn giữ và phát huy

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 600 di tích nhà thờ họ được kiểm kê, lập hồ sơ đưa vào danh mục di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó có 2 nhà thờ họ được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu chí để xếp hạng di tích cho nhà thờ họ bao gồm kiến trúc nghệ thuật và nhân vật lịch sử được thờ. Các di tích nhà thờ họ sau khi được xếp hạng sẽ do địa phương quản lý, gia đình thờ cúng tổ tiên và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tu bổ nếu xuống cấp.

Theo ông Vũ Trường Sơn, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch),  các di tích nhà thờ họ có niên đại lâu năm, ngoài giá trị về kiến trúc thường gắn với những nhân vật có đóng góp lớn cho địa phương, cho đất nước hoặc là những người đỗ đạt cao trong lịch sử. Họ là niềm tự hào của dòng họ, là tấm gương sáng trong việc giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần hiếu học của dòng họ cũng như địa phương. Bên cạnh đó, cùng với hệ thống hơn 3.000 di tích trên địa bàn tỉnh, di tích nhà thờ họ còn góp phần đa dạng hóa các loại hình di tích, là minh chứng cho việc Hải Dương sớm có mặt trong tiến trình lịch sử của đất nước.

Từ xa xưa, dòng họ đã được coi là một cộng đồng thu nhỏ quan trọng để hình thành nên làng, xã. Chính vì vậy, việc giữ gìn nền nếp gia phong, giáo dục của gia đình, dòng họ là yếu tố để mang lại một xã hội tốt đẹp.

Trong dòng họ, nhà thờ họ là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn, nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ cùng những sắc phong, tượng thờ, bài vị, những điển tích của dòng họ. Từ những gì được lưu giữ trong nhà thờ họ, mỗi thành viên lại thấy được những tấm gương sáng, công lao của tổ tiên trong việc hình thành nên dòng họ hay công lao với quê hương, đất nước được sử sách ghi nhận. Chính bởi những giá trị lịch sử văn hóa to lớn ấy mà nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi người con trong dòng họ. 

Nguồn: TRƯỜNG THÀNH (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh)

Các tin mới hơn
Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật(04/11/2023)
Chương trình nghệ thuật đặc sắc kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam(05/03/2023)
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 - Động lực thúc đẩy, nguồn lực nội sinh phát triển bền vững đất nước(02/03/2023)
Phát huy giá trị văn hóa, bản sắc con người Xứ Đông thành động lực phát triển(27/02/2023)
Thống nhất đổi tên Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới(20/07/2022)
Các tin cũ hơn
Thư viện tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề(24/10/2021)
Yết Kiêu, Dã Tượng - Tấm gương sáng cho tinh thần xả thân vì nghĩa lớn(06/10/2021)
Trường trung cấp VHNT&DL: các lớp bồi dưỡng nghệ thuật bổ ích dịp hè(13/09/2021)
Nghề làm hương ở Quốc Tuấn(01/09/2021)
Văn bia ghi về dựng ngôi nhà khuyến học của Hội tư văn làng Nghĩa phú(01/09/2021)
Tìm kiếm
Videos
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín