Tin du lịch
Giải pháp phát triển du lịch Hải Dương gắn với khu vực Đồng bằng sông Hồng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Trong những năm qua, phát triển du lịch tỉnh Hải Dương dù đã đạt được những kết quả khả quan, tích cực, nhưng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và lợi thế của một ngành kinh tế quan trọng.

Khái quát chung

Hải Dương nay - Xứ Đông xưa nằm ở vị trí phía Đông Bắc của Đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí trọng yếu về địa chính trị, quân sự trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Là một trong tứ trấn, “phên dậu phía Đông” bảo vệ kinh thành Thăng Long - Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), tiếp giáp 6 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Hưng Yên. Từ bao đời, Hải Dương là nơi sinh thành, hội tụ và toả sáng của nhiều Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa như: Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mệnh, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Duệ…  Đây là vùng đất chuyển tiếp giữa miền núi, trung du và đồng bằng nên địa hình khá đa dạng có vùng núi và đồng bằng. Hệ thống thủy văn phát triển với 14 con sông lớn, nhỏ gồm sông Thái Bình, sông Thương, sông Kinh Thầy… giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường thuỷ, gần cảng biển và cảng hàng không nên việc kết nối rất thuận tiện để phát triển kinh tế và du lịch.

Hải Dương được thiên nhiên ưu ái, tạo hoá ban tặng với nhiều cảnh quan, địa hình đa dạng có giá trị, đồi núi xen lẫn đồng bằng, hình sông thế núi kỳ hình, kỳ dạng và từ lâu đã nổi tiếng như: Côn Sơn - Kiếp Bạc, Phượng Hoàng, rừng phong lá đỏ Thanh Mai (Chí Linh); An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn); sông Hương thơ mộng với các miệt vườn cây ăn trái ở Thanh Hà hay khu Đảo Cò (Thanh Miện) - hệ sinh thái đất ngập nước với hàng ngàn cá thể cò, vạc… còn lại duy nhất ở vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Hải Dương có lịch sử lâu đời, di sản văn hóa đậm đặc với 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó 04 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 255 di tích cấp tỉnh; 08 bảo vật quốc gia; 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Hồ Côn Sơn - Chí Linh  

Thực trạng du lịch Hải Dương hiện nay

Trong những năm qua, phát triển du lịch tỉnh Hải Dương dù đã đạt được những kết quả khả quan, tích cực, nhưng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và lợi thế của một ngành kinh tế quan trọng. Mặc dù lượng khách du lịch đến Hải Dương tăng qua các năm, song còn hạn chế; số ngày lưu trú và chi tiêu trung bình còn thấp, ảnh hưởng đến thu nhập và đóng góp của du lịch vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh do các yếu tố sau: Hệ thống sản phẩm du lịch còn khá đơn điệu, chưa phong phú, hấp dẫn, cơ sở hạ tầng kết nối thiếu đồng bộ, chủ yếu là du lịch tham quan, lễ hội, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù để tạo sự khác biệt. Điều này ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của du lịch Hải Dương, đặc biệt là du lịch chất lượng cao; Cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa rõ ràng; chưa quyết liệt trong cải cách hành chính tạo điều kiện thu hút đầu tư; Tính cạnh tranh của du lịch Hải Dương so với các tỉnh phụ cận còn thấp; Quy hoạch du lịch chậm đi vào thực tế; nhiều khu, điểm du lịch còn chưa được quy hoạch vì vậy ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư du lịch; Nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Hải Dương còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó có tỷ lệ khá cao chưa qua đào tạo ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về du lịch và hiệu quả kinh doanh du lịch; Tác động của phát triển kinh tế - xã hội, thiên tai - dịch bệnh đến môi trường du lịch; Liên kết phát triển du lịch tỉnh Hải Dương với các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc chưa đi vào thực chất vì vậy ảnh hưởng đến việc phát huy lợi thế trong chuỗi giá trị du lịch của vùng và quốc gia.

 

 Hệ thống hang động tại thị xã Kinh Môn 

Mục tiêu và quan điểm

Hướng tới du lịch là một ngành kinh tế quan trọng với những sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của du khách và xứng tầm là một ngành dịch vụ trong chuỗi các ngành dịch vụ của tỉnh – là một trong 4 trụ cột quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh nhà. Với mục tiêu đến năm 2030: sẽ đón 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó 1,53 triệu lượt có lưu trú; 4,8 triệu lượt khách nội địa, trong đó 2,64 triệu lượt có lưu trú. Tổng thu từ du lịch đạt 21.000 tỷ đồng; cơ sở lưu trú du lịch: có 16.500 buồng lưu trú, trong đó nhu cầu buồng cho khách du lịch nội địa: 7.500 buồng, nhu cầu buồng cho khách du lịch quốc tế: 9.000 buồng; nguồn nhân lực du lịch: có 69.200 lao động du lịch, trong đó có 24.700 lao động trực tiếp và 44.500 lao động gián tiếp. Để đạt được mục tiêu đó cần phải có những giải pháp mạnh mẽ để phát triển du lịch Hải Dương gắn với khu vực đồng bằng Sông Hồng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở đó, quan điểm chỉ đạo của tỉnh về phát triển du lịch phải tập trung vào những nội dung trọng yếu sau: Tập trung nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó chú trọng du lịch chất lượng cao, coi đây là khâu “đột phá” để đảm bảo du lịch tỉnh Hải Dương phát triển nhanh, tương xứng với tiềm năng và vị thế; Phát triển du lịch, đặc biệt là chất lượng cao phải tạo ra sự khác biệt trên nền tảng những giá trị văn hóa truyền thống và thiên nhiên, phát huy những lợi thế và cơ hội phát triển; Phát triển du lịch và du lịch chất lượng cao phải gắn liền với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường; Phát triển du lịch chất lượng cao phải dựa trên việc phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Phát triển du lịch cũng như du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương phải đặt trong mối quan hệ với sự phát triển du lịch các địa phương trong vùng, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội nhằm phát huy có hiệu quả những lợi thế về tiềm năng và sự khác biệt của sản phẩm du lịch đặc thù tạo ra; Phát triển du lịch và du lịch chất lượng cao phải gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

 

Du khách quốc tế trải nghiệm vườn vải Thanh Hà 

Những giải pháp cụ thể

* Nâng cao nhận thức xã hội về du lịch: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao; đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển; đem lại hiệu quả nhiều mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng; Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động; Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch tỉnh Hải Dương.

* Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách: Rà soát, điều chỉnh và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi và tạo thuận lợi nhất về giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn; Rà soát, điều chỉnh các quy định hành chính, tạo điều kiện thông thoáng và nhanh nhất cho các nhà đầu tư quan tâm vào lĩnh vực du lịch tại Hải Dương; Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên và hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương tự đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch ở quy mô nhỏ và trung bình theo quy hoạch và định hướng chung của tỉnh; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo du lịch; áp dụng các tiêu chuẩn năng lực nghề du lịch quốc gia và trong khu vực, đảm bảo yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ lao động du lịch cho phát triển du lịch trong giai đoạn mới; Có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài/nguồn nhân lực chất lượng cao là các nhà quản lý, hoạch định chiến lược, giáo viên, các nghệ nhân và lao động có trình độ tay nghề cao đến làm việc tại tỉnh và người địa phương tham gia phát triển du lịch.

* Chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực: 

        Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của chính doanh nghiệp mình; Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, dần tiến tới xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực phổ thông tại các khu, điểm du lịch.

* Quy hoạch phát triển du lịch: Tăng cường năng lực quản lý và tổ chức thực hiện định hướng phát triển du lịch dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh; Tích hợp những định hướng phát triển du lịch tỉnh, đặc biệt định hướng về tổ chức không gian du lịch với trọng tâm là các địa bàn trọng điểm du lịch; hệ thống khu, điểm, tuyến du lịch; các sản phẩm du lịch đặc thù vào trong Quy hoạch tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lồng ghép các phương án phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả và thuận lợi trong đầu tư phát triển du lịch; Trên cơ sở những định hướng phát triển du lịch, đẩy mạnh lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm và các điểm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù làm căn cứ thực hiện đầu tư và phát triển du lịch bền vững.

* Xúc tiến quảng bá và xây dựng thượng hiệu du lịch: Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng hóa kênh với trọng tâm về thương hiệu, hình ảnh Hải Dương là điểm đến du lịch chất lượng cao an toàn, sự hiếu khách, thân thiện của người Xứ Đông trên nền tảng công nghệ số trong nước và quốc tế; Triển khai thực thi hiệu quả bộ nhận diện thương hiệu trên các loại ấn phẩm, vật phẩm xúc tiến, các chiến dịch truyền thông gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch có thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc thù; Đa dạng hóa các kênh xúc tiến quảng bá du lịch Hải Dương, trong đó đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng sử dụng thiết bị thông minh; xúc tiến thị trường phải phù hợp với đặc điểm nhu cầu về sản phẩm du lịch và thực hiện việc thu hút thị trường du lịch theo định hướng đã xác định.

* Đầu tư phát triển du lịch: Tăng cường ngân sách Nhà nước để hỗ trợ công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kết nối khu, điểm du lịch, trong tỉnh và kết nối tỉnh Hải Dương với các tỉnh phụ cận (Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh); đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, các thiết chế văn hóa, các điểm cảnh quan thiên nhiên; đầu tư cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch và bảo vệ môi trường du lịch; Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn trên cơ sở hoàn thiện các chính sách để khuyến khích đầu tư; tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động đầu tư; công khai minh bạch về quy hoạch tỉnh, vùng và định hướng ưu tiên đầu tư những hạng mục cần thiết.

* Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và sản phẩm chính: Quan tâm đầu tư để phát triển 8 sản phẩm du lịch đặc thù đã được xác định trong Đề án Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cụ thể: “Về với nghệ thuật rối nước vùng Đồng bằng Sông Hồng” huyện Ninh Giang; “Tìm về giá trị sinh thái cộng đồng đích thực vùng Đồng bằng Sông Hồng" tại Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện); “Con đường khoa cử Việt” kết nối làng Tiến sĩ Mộ Trạch (Bình Giang) với Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) - Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (Nam Sách) - Đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (Chí Linh); Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt” thôn Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách) kết nối với Bảo tàng tỉnh Hải Dương; “Du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt” khu vực sông Hương, (Thanh Hà); “Du lịch nghỉ dưỡng-thiền/dưỡng sinh” khu hồ Thanh Long - hồ Bến Tắm (Chí Linh); “Chạm khắc gỗ Đông Giao - Nơi hội tụ tài năng đỉnh cao và tâm hồn người thợ Xứ Đông” xã Lương Điền (Cẩm Giàng) và “Văn hóa ẩm thực người Xứ Đông” xã An Thanh (Tứ Kỳ); Sản phẩm du lịch chính như: Khu sinh thái Đảo Ngọc (TP Hải Dương); Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, đánh golf, rừng phong lá đỏ (TP Chí Linh); Khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (TX Kinh Môn); làng nghề vàng bạc Châu Khê (Bình Giang); di tích Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng)...

* Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch: Kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cấp huyện theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý du lịch. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ phòng Quản lý du lịch, Trung tâm Thông tin - Xúc tiến Du lịch, phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị xã, thành phố và Hiệp hội Du lịch để tăng cường hiệu quả trong quản lý nhằm đảm bảo là cầu nối giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các cơ quan quản lý Nhà nước; Bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về quản lý hoạt động du lịch; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên…, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý thuế, phí để chống thất thu trong lĩnh vực du lịch; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn.

* Xác định thị trường trọng tâm, phát triển sản phẩm du lịch và ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch:

Thị trường quốc tế: Tập trung vào thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN). Khu vực Bắc Mỹ với hai nước Mỹ và Canada, khu vực Châu Âu và Liên bang Nga, chú trọng đến các thị trường Pháp, Anh, Đức và một số nước Đông Âu.

Thị trường nội địa: Trọng tâm là người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...; Ứng dụng các giải pháp công nghệ 3R (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải từ hoạt động du lịch); Ứng dụng khoa học công nghệ trong đảm bảo môi trường xã hội bằng hệ thống kết mạng nối giữa các cơ sở dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan công an; lắp camera cố định, phát triển hệ thống nhận dạng tự động tại các khu, địa điểm du lịch; cung cấp cho du khách thông tin chính xác, minh bạch về tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội qua internet và các kênh tương tác trực tiếp như Smart Hải Dương, zalo, facebook, instagram, twister, …

Tăng cường liên kết để phát triển sản phẩm du lịch: Khuyến khích liên kết giữa các địa phương trong cùng một địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh để tổ chức đánh giá, phát huy lợi thế tài nguyên; liên kết với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên để mở các tua, tuyến du lịch tới tỉnh Hải Dương và ngược lại; liên kết, trao đổi thường xuyên, chặt chẽ trong phát triển du lịch theo Kết luận số 352 ngày 10/3/2022 của Tỉnh ủy Quảng Ninh- Hải Dương và Bắc Giang và Kế hoạch số 172 ngày 13/7/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh về thực hiện Kết luận nêu trên; Tổ chức xây dựng và thực hiện phát triển sản phẩm, kết nối tour tuyến du lịch, xúc tiến quảng bá đầu tư du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch chung; hợp tác với các cơ quan ban ngành của Trung ương và liên kết các tỉnh phụ cận trong lĩnh vực quy hoạch, xúc tiến đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống giao thông liên kết du lịch kết nối thành phố Hải Dương với các huyện, thị xã, ở các địa bàn trọng điểm để thuận lợi phát triển hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

* Công tác quản lý chất lượng và đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch: Áp dụng các quy định, tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ du lịch như bộ tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực lưu trú, trong tổ chức sự kiện, du lịch MICE...; Triển khai có hiệu quả thực hiện quy định của Luật Du lịch về các tiêu chí đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động các cơ sở lưu trú rà soát, áp dụng, nâng cao chất lượng theo các tiêu chuẩn “TCVN”, các tiêu chuẩn “ISO” phù hợp để kiểm soát chất lượng dịch vụ của mình; hướng tới việc khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; Nâng cao nhận thức xã hội về môi trường và bảo vệ môi trường du lịch cho cộng đồng nhân dân bằng việc duy trì thường xuyên các hoạt động nâng cao nhận thức, phổ  biến kiến thức bảo vệ môi trường du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng cho các tổ chức đoàn thể xã hội và cộng đồng địa phương. Phát huy hiệu quả và nhân rộng mạng lưới tình nguyện viên làm công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường xuất bản các ấn phẩm giáo dục về bảo vệ môi trường du lịch. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, zalo, facebook…); Nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch bằng việc nêu cao vai trò trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tội phạm để bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương, các khu, điểm du lịch. Tăng cường tuyên truyền tại khu, điểm du lịch,cảnh báo người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để du khách nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ người và tài sản khi đến tham quan du lịch; Xây dựng các mô hình phát triển du lịch thân thiện với môi trường; mô hình đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội cho phá́t triển du lịch tại các khu, điểm du lịch. 

Vũ Đình Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 

Các tin mới hơn
Khai mạc Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến Thương mại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024(26/02/2024)
Hấp dẫn Tuần Văn hóa ẩm thực, du lịch và Xúc tiến thương mại tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024(20/02/2024)
Hải Dương – Bắc Giang: Hợp tác lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch(24/11/2023)
Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ du lịch tại các cơ sở lưu trú(16/11/2023)
Tỉnh Hải Dương tham dự Hội thảo quốc tế hợp tác phát triển du lịch Việt Nam và Nhật Bản(24/10/2023)
Các tin cũ hơn
Khai mạc Tuần Văn hoá - Du lịch mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc(11/09/2022)
Trên 150 người tham gia tập huấn kiến thức du lịch nông nghiệp, nông thôn(04/08/2022)
Hưởng ứng 62 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960 - 09/7/2022) (08/07/2022)
Giám đốc doanh nghiệp lữ hành kết nối xuất khẩu vải thiều Thanh Hà sang Anh(18/06/2022)
Đại sứ các nước trải nghiệm vùng vải Thanh Hà và bánh đậu xanh tại Hải Dương(18/06/2022)
Tìm kiếm
Videos
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín